Danh mục
Mùa xuân sắp đến. Việc mở toang cửa sổ đón gió mát là một thói quen và một cách hoà mình với thiên nhiên của người dân Việt Nam. Chính vì thế, cửa sổ được coi là nhân tố rất quan trọng trong việc kết nối con người với môi trường xung quanh.
Chức năng chủ yếu của cửa sổ là lấy ánh nắng, tạo sự thông thoáng cho căn phòng. Với điều kiện khí hậu nước ta hiện nay thì cửa sổ về hướng Đông là tốt nhất vì: đó là hướng mặt trời mọc, nhà ở sẽ luôn nhận được ánh sáng ban mai và làn gió mát nhẹ thổi tới vào mùa xuân. Song, nếu mở cửa sổ ở các hướng khác chúng ta cần tham khảo thêm.
Nguyên tắc thiết kế cửa sổ
Phong thủy không quy định bắt buộc số lượng cửa sổ trong mỗi nhà, mỗi gian phòng. Tuy nhiên phải có sự tương quan giữa hệ thống cửa sổ, cửa đi với toàn thể không gian sử dụng. Bởi vì bên cạnh cửa chính thì cửa sổ là nơi đối lưu không khí trong nhà, do đó tránh làm cửa sổ quá nhiều để không gây rối loạn trường không khí điều hòa bên trong ngôi nhà. Theo thuật Phong thủy, điều này sẽ làm không khí trong nhà căng thẳng, cuộc sống mọi người trong nhà không được ổn định.
Cũng không nên mở quá ít cửa sổ sẽ khiến không khí không thể lưu thông điều hòa, gây tâm lý ngột ngạt, cáu bẳn và ảnh hưởng tới sức khỏe các thành viên trong nhà. Do đó số lượng cửa sổ nên vừa phải (dựa trên độ lớn nhỏ của không gian, nhiều hay ít phòng chức năng) để điều hòa tốt nhất không khí trong và ngoài nhà.
Hướng cửa sổ
Nhà ở quay lưng phía Bắc, nhìn về hướng Nam thì nên mở cửa sổ ở đầu hồi phía Đông.
- Nên mở cửa sổ ở tường phía Đông Nam với nhà tọa theo bất kỳ hướng nào vì cửa sổ ở hướng đó không chỉ đón được ánh bình minh mà còn giúp cho nền nhà luôn khô ráo, thoáng đãng, không bị ẩm mốc.
- Nên mở rộng cửa sổ ở phía Nam, mùa hè có thể hứng gió mát vào trong nhà, mùa đông hứng tia nắng ấm, có lợi cho thông gió trong phòng, điều tiết khí nóng bên trong phòng, đảm bảo phòng luôn sáng sủa.
- Nếu mở cửa sổ hướng Tây Nam thì khi mặt trờ ngả về Tây sẽ bị hắt vào nhà do vậy nên lợp mái vẩy ngoài cửa sổ, để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp.
- Nếu buộc phải mở cửa sổ hướng Tây Bắc, cần thiết kế cửa sổ nhỏ và cao, lợp mái vẩy ngoài cửa sổ, để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp.
- Không nên mở cửa sổ hướng Tây vì mùa hè phải hứng chịu trực tiếp khí nóng nắng quái, còn mùa đông lại phải hứng khí lạnh, nếu buộc phải có cửa sổ thì không nên trổ quá rộng và cần phải có rèm cửa sổ che nắng.
- Không nên mở cửa sổ hướng Đông Bắc vì gió Đông Bắc thổi vào trong nhà khiến nhà luôn ẩm ướt và lạnh giá, nếu buộc phải có cửa sổ thì không nên trổ quá rộng và cần phải có rèm cửa.Nếu không còn hướng nào khác để mở cửa sổ thì nên treo chuông gió thủy tinh dạng giọt, hình cầu, có nhiều mặt để biến ánh nắng mặt trời thành sắc độ cầu vồng làm mạnh cho khí trong cả phòng và tạo sự năng động. Nếu ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ vào nhà quá mạnh, nên dùng loại rèm cửa dày để giảm bớt. Ngược lại, nên dùng loại rèm mỏng, có màu sáng nếu ánh mặt trời chiếu vào nhà vừa phải hoặc hơi yếu.
Chọn lựa kích thước cửa sổ phù hợp
Cửa sổ cũng giống như cửa ra vào, có thể tiếp nhận ánh sáng mặt trời và không khí vào trong nhà, song không phải cứ mở cửa sổ càng to càng rộng càng hứng được nhiều ánh sáng và không khí trong lành vì:
- Cửa sổ quá to dễ làm nội khí thoát ra ngoài. Khắc phục bằng cách lắp cửa chớp hoặc che bớt bằng rèm cửa.
- Nếu diện tích phòng nhỏ nhưng cửa sổ lớn, sẽ phải chịu nóng bức vào mùa hè, ẩm ướt vào mùa đông.
Vì vậy, chỉ nên mở cửa sổ ở 2 phía tường đối diện nhau, để tạo dòng đối lưu không khí trong nhà.
Kích thước cửa sổ tùy thuộc vào công dụng của việc phối trí căn phòng.
- Hướng Nam và Đông Nam có thể mở cửa sổ lớn để tiếp nhận được nhiều ánh nắng mặt trời và gió mát vào mùa hè.
- Các hướng Tây, Tây Bắc thì chỉ mở cửa sổ nhỏ, để giảm thiểu ánh nắng quái chiều hôm và gió bấc rét mướt.
- Phòng khách, phòng trẻ nhỏ và người già nên mở cửa sổ nhỏ.
- Phòng ngủ nên mở cửa sổ thấp một chút để không khí dễ lưu thông.
- Phòng làm việc cần yên tĩnh, nên mở cửa sổ vừa phải.
Cửa sổ cho từng loại nhà
Với nhà vườn - biệt thự: Với dạng nhà vườn theo kiểu truyền thống, cần lưu ý cửa sổ nên mở ra hàng hiện hoặc mái hắt bao quanh bên ngoài, tạo một trường khí chuyển tiếp. Cửa tương ứng với mặt đứng nhà qua tương quan đặc – rỗng, sáng – tối, cao – thấp...và tương đồng hay tương phản giữa các cửa với nhau. Tùy điền kiện kinh tế mà ta có thể làm cửa nhiều lớp để vừa nâng cao tính bảo vệ, vừa dễ dàng điều chỉnh nội khí theo biến đổi môi trường bên ngoài. Rèm hoặc các loại mành sáo, mái hắt...cũng khá quan trong trong việc chỉnh ánh sáng, che chắn tầm nhìn, giảm tác dụng xung sát bên ngoài vào không gian nhà và tạo nhét trang trí hài hòa với các thành phân khác của nội thất như tường, sàn, trần và đồ gỗ.
Với nhà chung cư: Với dạng căn hộ chung cư được xây dựng sẵn với các phần khung, kết cấu và cửa đều cố định thì việc điều chỉnh cửa trở nên khó khăn hơn. Do vậy, cần quan sát để nhận định Cát, Hung và tìm cách chỉnh lý bằng các thủ pháp "mềm". Do cửa chính của căn hộ thường là cửa nhỏ và thiết kế căn hộ khép kín nên tác động từ cửa đi không nhiều. Ngược lại, cửa sổ và các cửa phụ ra ban công, loggia, thường làm rộng và sử dụng nhiều hơn. Với các căn hộ trên cao, nhiều mặt thoáng, nắng chói và gió mạnh thì giải pháp dùng rèm hoặc bình phong là tốt nhất. Tùy thời điểm trong ngày, tùy mua trong năm mà gia chủ kiểm soát mức độ mạnh – nhẹ của luồng khí bằng bình phong.
Tin tức khác
Ý nghĩa của các loài hoa ngày Tết
Mâm ngũ quả ngày Tết cho 3 miền
Trang trí nhà cửa đón tết Mậu Tuất